Chiều ngày 13/6, việc xăng tăng giá 32.000/lít đạt mức kỷ lục đã nhận về sự quan tâm của nhiều người lao động, nhất là những tài xế xe ôm truyền thống lẫn chạy công nghệ. Chi phí bỏ ra để đổ xăng được cho là có ảnh hưởng không nhỏ đến mức thu nhập và cuộc sống của họ. Chia sẻ với Báo Lao Động, một tài xế (trú tại Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) cho biết, trước kia anh kiếm được từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày, sau khi trừ tiền xăng, anh thu về 120.000 đồng. Tuy nhiên, giờ đây anh chỉ lãi 100.000 đồng – số tiền chẳng thấm là bao so với chi phí dành cho ăn uống, sinh hoạt.
“Tiền này lo cho bản thân còn chưa đủ chứ nói gì lo cho vợ con. Khách du lịch bây giờ cũng không có nhiều. Vì vậy mà giờ đây, đến việc uống ly nước hay cà phê trong lúc chờ khách đến tôi cũng phải tính toán kĩ, cuộc sống không còn thoải mái như hồi trước dịch”, anh trải lòng. Trong khi đó, anh T.V.H. (ngụ tại đường Lê Duẩn, Q.Thanh Khê) tâm sự: “Xăng tăng, các chi phí khác như thực phẩm, điện nước cũng tăng theo, thế nhưng giá cuốc xe lại giữ nguyên. Tôi chạy theo ứng dụng trên điện thoại, bên quản lí vì muốn giữ chân khách hàng nên không tăng giá tiền. Nếu mình không nhận chuyến thì cũng có người khác chạy. Cứ như này người lao động sẽ khó xoay sở”. Vật giá leo thang khiến cuộc sống khó khăn, anh T.V.H chỉ hi vọng nhà nước có thể bình ổn giá xăng dầu để anh cùng nhiều đồng nghiệp bớt cực.
Báo Thanh Niên đưa tin, anh L.V.D – Người phụ trách lĩnh vực tài xế của một hãng xe công nghệ – cho hay, trước kia giá xăng thấp thì tài xế thường lời nhiều. Nếu chăm chỉ chạy còn có thể được hãng thưởng thêm từ 10 – 15%, nhờ vậy mà đủ sống. Còn ở thời điểm hiện tại, doanh thu của tài xế bị giảm không ít. “Thấy họ khổ nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao, bởi đây là tình cảnh chung mà nhiều người gặp phải. Vì giá xăng tăng cao mà nhiều tài xế đã quyết định bỏ nghề, chọn mưu sinh bằng công việc khác”, anh L.V.D nói.
Không chỉ những người di chuyển bằng xe máy, ô tô, nhiều chủ tàu cá cũng lắc đầu ngao ngán khi giá xăng tăng kỉ lục. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông S.X (sinh sống tại tỉnh Sóc Trăng) cho biết, ông có 3 tàu đánh bắt cá xa bờ. Trước đây, sau khi trừ chi phí của mỗi lần ra khơi, ông lãi được hơn 30 triệu đồng/chuyến. Tuy nhiên, giờ đây chủ tàu cá này phải “cân đong đo đếm” mọi thứ, nếu không sẽ rất dễ lỗ.
“Không chỉ giá xăng, dầu tăng mà lương thuê thuyền viên đi biển cũng tăng, lại khó kiếm người. Mỗi lần ra khơi đều phải tính toán kĩ càng, không thì mình rơi vào cảnh lỗ vốn lúc nào chẳng hay”, ông S.X nói.
Hiện, bài toán xăng dầu vẫn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều người dân. Dù vậy, cơ quan chức năng cũng đang cố tìm cách để làm giảm áp lực, khó khăn cho bà con.