Mới đây trang Tencent (Trung Quốc) có chia sẻ lại quá trình tay trắng lập nghiệp đến khi có cơ nghiệp giá trị hàng tỉ nhân dân tệ của anh Lưu Vĩnh Quân. Sự việc nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng trong và ngoài nước.
Bài báo kể về quá trình thành công của vị tỉ phú Thượng Hải – Lưu Vĩnh Quân. (Ảnh: Chụp màn hình Tencent)
Bước ra khỏi vùng an toàn
Anh Lưu Vĩnh Quân lớn lên ở vùng quê thuộc Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ngay từ nhỏ, anh Lưu đã là một người có tính cách kiên định, chăm chỉ và học rất giỏi, nhờ thế anh đã được nhận vào trường Đại học nông nghiệp tại tỉnh nhà.
Anh Lưu Vĩnh Quân, lập nghiệp với hai bàn tay trắng. (Ảnh: Tencent)
Sau khi tốt nghiệp, năm 2004, anh Lưu Vĩnh Quân và bạn vay 800 nhân dân tệ (khoảng 4 triệu đồng hiện nay) đến Thượng Hải để tìm cho mình một tương lai tốt đẹp hơn. Ban đầu, anh Lưu Vĩnh Quân chỉ đơn giản nghĩ: “Đến thành phố lớn, có thể tìm được một công việc tốt, hàng ngày có chỗ để ở, không bị đói, bị rét là tốt lắm rồi.” Ông trời đã không phụ lòng anh, chỉ sau 3 năm làm việc chăm chỉ, anh và người bạn của mình đã hợp tác thành lập một công ty chuyên thiết kế sân vườn cho các ngôi nhà. Sự nghiệp từng bước thăng hoa, anh dần có chỗ đứng vững chắc ở Thượng Hải, mua nhà, cưới vợ sinh con và sống hạnh phúc. Đến năm 2012, anh ấp ủ mong muốn được ra ngoại ô Thượng Hải làm nông nghiệp và phân phối trực tiếp các sản phẩm rau cho nội thành. Gia đình và bạn bè khi biết được ý định này đã vô cùng phản đối, trang Tencent dẫn lời anh Lưu Vĩnh Quân rằng: “Bạn bè bảo tôi là ‘dở hơi’, làm một ông chủ của một công ty thì không thích lại thích đi làm nông dân”.
Ban đầu, bố vợ anh Lưu là một trong những người phản đối việc anh mở nông trại ở ngoại ô. (Ảnh: Baidu)
Anh Lưu Vĩnh Quân lại cho rằng: “Ngành thiết kế sân vườn lúc đấy đúng là rất phát triển, tuy nhiên ngành này cạnh tranh nhau vô cùng khốc liệt. Cứ thử nghĩ mà xem, Thượng Hải có tới hơn 20 triệu dân, do đó nhu cầu về rau sạch là vô cùng lớn”.
Thượng Hải là thành phố đông dân nên nhu cầu về các loại rau sạch là rất lớn. (Ảnh: Tencent)
Anh Lưu rất tự tin với ý tưởng đó của bản thân, vì nếu rau có thể được trồng ở ngoại thành và bán ở nội thành thì chi phí vận chuyển sẽ rẻ hơn rất nhiều. Ngoài ra, rau được trồng trong một thời gian ngắn, quay vòng vốn nhanh, hơn thế nữa với lợi thế là một người được sinh ra ở nông thôn và có những kỹ năng chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp nên anh vô cùng quyết tâm thực hiện ý tưởng này của bản thân.
Sau đó, anh đã nhận được sự ủng hộ của vợ và sử dụng 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 7 tỉ đồng).
Thất bại không nản lòng
Anh Lưu mua 800 mẫu đất ở thị trấn Liantang, quận Qingpu, Thượng Hải để làm nông nghiệp. Thời gian đầu, anh trồng hơn 10 loại rau củ cùng một lúc, bao gồm cần tây, dưa chuột, cà chua,…
Nông trại trồng rau của tỉ phú tự thân Lưu Vĩnh Quân. (Ảnh: Baidu)
Tuy nhiên, chẳng may tất cả rau anh trồng đều không bán được. Sau thương vụ đầu tiên, anh không chỉ không bán được hàng mà còn thua lỗ hơn 10 nghìn nhân dân tệ (tương đương gần 35 triệu đồng)
Anh bắt đầu đi tìm nguyên nhân khiến các sản phẩm của mình không được mọi người đón nhân, và sau đó anh đã rút ra các kết luận rằng:
Thứ nhất, người Thượng Hải có nhu cầu rất lớn đối với việc tiêu thụ các loại rau ăn lá như cải xanh, rau muống, cải ngồng và cải thìa.
Thứ hai, nhà cung cấp nên trồng cố định những loại rau có thể sử dụng được quanh năm, nếu không thì giá sẽ giảm và chỉ hợp tác trong thời gian ngắn.
Khi đã tìm ra được nguyên nhân thất bại, anh lập tức thay đổi mô hình trồng trọt của mình, tập trung chủ yếu vào các loại rau ăn lá. Đồng thời mở rộng quy mô khi đầu tư thêm 40 mẫu đất nữa. Vì thế sản lượng rau của anh rất lớn và có đủ để cung cấp quanh năm. Mọi nỗ lực đều được đền đáp xứng đáng khi đến năm 2013, anh đã có thể kiếm được 5 triệu nhân dân tệ/năm (tương đương gần 18 tỉ đồng hiện nay)
Các sản phẩm rau ăn lá của anh rất được mọi người hoan nghênh. (Ảnh: Baidu)
Thay đổi để trở nên tốt hơn
Năm 2014, anh Lưu Vĩnh Quân đến tham dự một hội thảo và biết đến thuật ngữ “aquaponics”. Đó là mô hình nuôi cá không cần thay nước, trồng rau nhưng không cần bón phân, giảm thiểu tối đa nhân lực và vật lực. Anh Lưu cảm thấy có thể thành công hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp khi thực hiện mô hình này và anh muốn mình trở thành người tiên phong.
Mô hình “aquaponics” ở nông trại của anh Lưu Vĩnh Quân. (Ảnh: Baidu)
Để có thể thực hiện được mô hình “aquaponics”, anh Lưu bắt đầu thiết kế bản vẽ mỗi đêm, hầu như ngày nào anh cũng thức đến 3, 4 giờ sáng. Anh thường xuyên ở trong văn phòng để nghiên cứu, do vậy đã bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng do ngồi lâu.
Sau cùng anh đã tìm ra một loại thùng nuôi trồng thủy sản mới. Thiết kế mới có thể lưu trữ lại phân cá và đồ thừa có thể thải ra ngoài nhanh chóng, không để lại các cặn bẩn.
Các thùng nuôi cá của anh Lưu Vĩnh Quân. (Ảnh: Tencent)
Giải quyết xong vấn đề về nuôi cá, anh nghiên cứu việc trồng rau. Lúc đầu anh chọn các hạt ceramsite để làm môi trường trồng rau, tuy nhiên rau lại không phát triển được, vàng lá vì thiếu các yếu tố vi lượng. Sau cùng anh chọn đá cuội, sỏi thông thường để giải phóng các nguyên tố vi lượng khi được ngâm trong nước.
Tưởng chừng đã thành công, nhưng đến năm 2019, một loạt cá được nuôi trong thùng do anh Lưu thiết kế không sống nổi, điều này khiến anh vô cùng hoang mang và thất vọng. Không nản lòng, anh tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia. Dưới sự trợ giúp của họ, anh Lưu đã tìm ra vấn đề và lắp đặt thêm hệ thống cung cấp oxy, hệ thống giám sát và cảm biến tình hình cá nuôi trong thùng. Chỉ cần có sự cố xảy ra, thì báo động sẽ kêu.
Anh Lưu Vĩnh Quân trồng rau trong sỏi. (Ảnh: Tencent)
Sau tất cả, mô hình “aquaponics” của anh Lưu Vĩnh Quân đã thành công. Loại cá anh Lưu nuôi là cá rô California và cá vược của Mỹ có giá trị dinh dưỡng cao, do vậy cá bán rất được giá, trung bình khoảng 40 nhân dân tệ/kg (tương đương 140 nghìn đồng).
Tiếng lành đồn xa, rất nhiều chủ cửa hàng ăn đã đến tìm hiểu và nhập cá và rau xanh của nông trại nhà anh Lưu. Không chỉ vậy, anh Lưu Vĩnh Quân còn tạo ra một hệ thống aquaponics mini và đưa vào các trường học, mô hình được giáo viên và học sinh hoan nghênh.
Mô hình “aquaponics” được đưa vào chương trình giảng dạy ở một trường học tại Trung Quốc. (Ảnh: Tencent)
Nhờ áp dụng hệ thống aquaponics vào trường học đã tạo thêm một khoản thu nhập khác cho Lưu Vĩnh Quân bên cạnh các sản phẩm từ cá và rau. Đến năm 2020, tổng doanh thu của nông trại đã đạt hơn 36 triệu NDT (tương đương 125 tỉ đồng)
Nhờ những nỗ lực, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ của anh Lưu Vĩnh Quân mà mô hình aquaponics thực sự đã đến gần hơn với mọi người. Và nó cũng chứng minh một điều rằng, chỉ cần có lòng quyết tâm thì ta có thể làm được tất cả.