Vốn tưởng với tấm bằng thạc sĩ Luật kinh tế quốc tế tại một trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc, thì anh Du Yang (38 tuổi) sẽ có một tương lai xán lạn, tiền đồ rộng mở. Ấy vậy mà sự đưa đẩy của dòng đời đã khiến anh phải đi chạy xe ôm toàn thời gian.
Câu chuyện của một thạc sĩ đi làm nghề xe ôm đã dấy nên một cuộc tranh cãi. (Ảnh: The Paper)
Ngay khi lan truyền trên mạng xã hội, câu chuyện này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt. Nhiều cư dân mạng cho rằng anh Du đang lãng phí tấm bằng đại học của mình, số khác lại khen ngợi anh có tinh thần dũng cảm, chịu khó. Không phải thạc sĩ nào cũng sẵn lòng gác tấm bằng để xuống làm công việc tay chân.
Thạc sĩ phải chạy xe ôm, vì đâu đến nỗi?
Anh Du tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh từ Đại học Nghệ thuật và Khoa học Hồ Nam. Sau đó, anh tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học hành tại Đại học Tôn Trung Sơn và lấy bằng thạc sĩ. Những năm đầu tiên, anh đi làm ở một nhà xuất bản nhưng nhận thấy niềm đam mê bất tận với ngoại ngữ, Du Yang đã chuyển sang dạy tiếng Anh. Năm 2017, anh tự khởi nghiệp khi mở một trung tâm dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Ước tính, mỗi năm trung tâm của anh thu về khoảng 400.000 NDT (tương đương 1 tỷ 400 triệu đồng). Ở thời đỉnh cao đó, anh Du có một sự nghiệp thăng hoa và tổ ấm hạnh phúc. Tuy nhiên, trung tâm đã phải đóng cửa sau đó vì xu hướng giảm thiểu áp lực học thêm ngoài giờ cho học sinh các cấp.
Chính phủ Trung Quốc cấm dạy thêm đã khiến anh Du rơi vào tình trạng thất nghiệp. (Ảnh: The Paper)
Sau một thời gian thất nghiệp, Du đến với công việc xe ôm một cách rất tình cờ. Vào một ngày cuối tháng, khi đang đứng bên ngoài trường tiểu học để đón con trai, một người đàn ông đã tới gần bắt chuyện. Anh ta tưởng Du chạy xe ôm nên muốn nhờ chở con trai đến địa điểm khác.
Từng có mức thu nhập cao nhưng anh không ngại chạy xe ôm (Nguồn The Paper)
Ban đầu, anh Du khá ngỡ ngàng và từ chối ngay. Nhưng khi về nhà một ý định đã nảy sinh trong đầu anh về việc chạy xe ôm một thời gian để kiếm sống. “(Đi lái xe ôm) dù sao vẫn tốt hơn nằm bất động ở nhà. Tôi tự nói với mình rằng tôi có thể thử việc đó. Đó là trải nghiệm mới trong đời”, Du nói.
Một công việc mới bắt kịp xu hướng
Ngay khi nghe tin anh chuyển sang nghề xe ôm, gia đình của Du đã phản đối rất gay gắt. Đặc biệt là mẹ của Du, bà cảm thấy không được tôn trọng khi con trai có bằng thạc sĩ nhưng lại phải đi làm xe ôm. Bên cạnh đó con trai của anh bị bạn học cùng lớp trêu chọc nên muốn bố từ bỏ nghề kiếm sống này.
Dù làm công việc không đúng với chuyên môn nhưng anh vẫn rất lạc quan. (Ảnh: The Paper)
Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, Du Yang rất bình tĩnh khi đối mặt với bước ngoặt cuộc đời. Trong một phỏng vấn trên CCTV, anh đã chia sẻ: “Công việc này không hề nhục nhã chút nào. Một người có kiến thức có thể làm việc trong bất kỳ ngành nào. Khi trải qua nốt trầm trong sự nghiệp của mình, chính lựa chọn này đã giúp tôi duy trì thu nhập, nuôi sống gia đình.”
“Ông chú” chạy xe ôm cảm thấy khá vui vẻ với công việc (Nguồn The paper)
Với anh Du ở nhà ăn không ngồi rồi chẳng kiếm ra thu nhập mới là điều xấu hổ nhất. Anh coi đây là một cơ hội để bản thân được trải nghiệm, không mất gì thì ngại gì mà không thử. Chia sẻ về công việc xe ôm, Du Yang phải thừa nhận rằng đây là một nghề bấp bênh, có những ngày nhiều khách anh có thể kiếm hàng chục nhân dân tệ, ngày ít khách thì cả ngày chỉ được vài nhân dân tệ.
Anh không bị áp lực vì bằng cấp và nghề nghiệp hiện tại của bản thân. (Ảnh: The Paper)
Với anh nghề chạy xe ôm chỉ là công việc tạm thời vậy nên anh cũng chẳng hy vọng nhiều vào thu nhập. Kế hoạch tương lai dài của Du là tiếp tục tập trung đào tạo tiếng Anh nhưng thay đổi đối tượng. Từ các học sinh nhỏ tuổi, anh sẽ chuyển sang giảng dạy cho người lớn, thông qua phương thức trực tiếp hoặc các video trực tuyến.
Hiện nay, anh Du vẫn đang lái xe ôm nhưng không để chở khách mà mà lại trải nghiệm các địa điểm trong thành phố và là tư liệu quý giá để anh sản xuất video Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc). Như trong trong một đoạn video clip mới đây, Du Yang đã dịch lại một bài thơ mô tả cảnh đẹp thành phố bằng tiếng Anh. Phát âm lưu loát cộng trên nền khung cảnh mới lạ đã giúp đoạn clip thu hút hơn 70.000 lượt thích và vô số lượt bình luận. Đây là một dấu hiệu tích cực để anh chuẩn bị quay lại với ngôn ngữ tiếng Anh.
Du chuyển sang làm TikToker về mảng ngôn ngữ Anh và chuẩn bị các video học trực tuyến. (Ảnh: The Paper)
Du Yang chỉ là một trong vô vàn các trường hợp thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp mà lại đi làm các công việc nặng nhọc trái ngành. Tuy vậy, trong anh Du có một điều đáng khen ngợi là anh luôn tin tưởng vào bản thân mình, biết mình đang đứng vị trí nào và làm việc gì cho thích hợp. Không cần quan tâm đến ánh nhìn của người khác miễn là mình hiểu chính mình.
Tuy công việc khá vất vả nhưng anh luôn cảm thấy vui vẻ với những gì mình làm, không chỉ là xe ôm anh còn là một TikToker thu hút được nhiều quan tâm của dân mạng. Thế mới thấy chỉ cần bạn giỏi thì dù môi trường nào cũng có thể thích nghi tốt và trở thành người có tầm ảnh hưởng nhất định. Có thể hiện tại anh vẫn đang đi lệch khỏi “đường ray” sự nghiệp nhưng rồi sau này anh sẽ trở lại con đường vốn có, vẫn trở thành một người đi truyền đam mê ngôn ngữ cho các thế hệ sau.