Sức khỏe và Đời sống đưa tin, mới đây cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện một kho hàng khủng chứa hàng chục nghìn sản phẩm nghi giả mạo thương hiệu lớn trên thế giới. Cụ thể, để có thông tin chính xác về các vi phạm, tổ công tác thuộc Cục quản lý thị trường đã phải trinh sát suốt hơn 2 tháng. Ngày 27/4 vừa qua, hơn 30 cán bộ thuộc Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa và PC03, Công an tỉnh Thanh Hóa đã cùng nhau phối hợp, kiểm tra bất ngờ 5 kho hàng nằm trên đường Tô Vĩnh Diện, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Được biết, các cán bộ đã phải chia thành từng nhóm nhỏ mới có thể kiểm tra đồng thời cả 5 kho hàng. Chủ sở hữu các cơ sở này là bà T.T.L. và nhà bà L. cũng là kho hàng chính, 4 kho còn lại nằm rải rác khá gần nhà bà L.
Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện nhiều sản phẩm vi phạm quy định. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)
Các kho hàng đều nằm khá sâu trong khu dân cư, rộng từ 80-100m2. Bên trong trang bị khá nhiều kệ sắt chắc chắn để chứa hàng. Cơ quan chức năng xác định, ở mỗi kho, chủ cơ sở đều chia mặt hàng vào từng khu vực riêng. Chẳng hạn đồ gia dụng hay quần áo thời trang, giày dép; mỹ phẩm… mỗi nhóm hàng lại được để ở vị trí khác nhau. Thậm chí còn có một khu chuyên để phục vụ livestream với các thiết bị khá chuyên nghiệp.
Khu vực livestream với các thiết bị chuyên nghiệp. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)
Tổ công tác xác định, số hàng hóa này chuyên được bán qua hình thức livestream trên 2 Facebook chính là N.T. và Ntt. Đây đều là 2 tài khoản có lượng người theo dõi rất lớn, tuy nhiên đến nay đang tạm khóa.
Làm việc tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định cơ sở có thể chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày với giá trị khác nhau, dao động từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng trên một đơn hàng, doanh số mỗi tháng hàng tỉ đồng.
Trong kho hàng có cả mỹ phẩm. (Ảnh: Công An Nhân Dân)
Phải mất 10 tiếng liên tục, từ 9h sáng đến 19h cùng ngày, tổ công tác mới kiểm đếm xong ở các kho hàng. Ghi nhận ban đầu có hơn 12.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, đáng nói trong đó có rất nhiều mặt hàng đề tên thương hiệu như Chanel, Gucci, Louis Vuitton, Kenzo… Đây đều là những nhãn hiệu lớn đã đăng ký bản quyền.
Bên cạnh đó còn có nhiều sản phẩm nghi xuất xứ từ nước ngoài như nồi chiên không dầu, quạt điện, chăn ga,… Tuy nhiên chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Số hàng hóa vi phạm đã được đóng vào bao tải, chờ xử lý. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)
Ở khu vực đóng hàng, các cán bộ còn phát hiện hàng trăm đơn đã được đóng gói chỉn chủ, chuẩn bị chuyển đến tay khách hàng. Cơ sở này chủ yếu dùng dịch vụ chuyển phát nhanh để phân phối trên khắp cả nước.Hiện toàn bộ số hàng hóa đã được niêm phong thành hàng trăm bao tải. Trong ngày 28/4, tổ công tác sẽ tiếp tục kiểm đếm một phần các kho hàng chứa hàng thời trang để hoàn thiện hồ sơ, xử lý vụ việc.
Trước đó báo Thanh Niên đưa tin, vào ngày 31/3, tại Ninh Bình cũng phát hiện một kho hàng nhái, kém chất lượng có quy mô khủng. Lực lượng quản lý thị trường Ninh Bình cho biết, cơ sở này rộng hơn 1.000m2, là kho hàng vi phạm quy định lớn nhất tại địa phương từ trước đến nay.
Kho hàng Ninh Bình rộng 1.000m2. (Ảnh: Thanh Niên)
Tại đây có đa dạng các mặt hàng. (Ảnh: Lao Động)
Tại đây chứa rất nhiều sản phẩm đa dạng từ đồ tiêu dùng, gia dụng đến quần áo, điện thoại, thực phẩm chức năng,… có dấu hiệu giả nhãn hiệu nổi tiếng hoặc nhập về trái phép.
Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ về kho hàng. (Ảnh: Thanh Niên)
Tương tự cơ sở Thanh Hóa trên, chủ kho hàng này cũng kinh doanh qua hình thức livestream, mỗi ngày gửi đi khoảng 1.000 đơn.