Hôn lễ con gái đại gia phố cổ: Sính lễ toàn vàng, kim cương, mời khách 3 ngày ở biệt phủ

Nhắc đến những doanh nhân nức tiếng Hà thành của thế kỉ trước, nhiều người sẽ nhớ ngay đến cụ Trương Trọng Vọng. Sau nhiều năm bôn ba, cụ Vọng đã có được cho mình khối tài sản khổng lồ, từ đó mua đất, xây nhà trên phố Hàng Bè và đưa cả gia đình ở quê lên sinh sống. Các con của ông cũng được tận hưởng cuộc sống trong nhung lụa mà bất kì ai cũng ao ước.

 Căn biệt phủ trên phố cổ Hà Nội của cụ Vọng vẫn được gìn giữ nguyên vẹn đến bây giờ. (Ảnh: VTC News)
Căn biệt phủ trên phố cổ Hà Nội của cụ Vọng vẫn được gìn giữ nguyên vẹn đến bây giờ. (Ảnh: VTC News)

Đám cưới con gái đại gia Hà thành trong biệt phủ 800m2

VTC News đưa tin, căn biệt phủ được cụ Vọng xây dựng vào năm 1925. Tuy nhiên đến sau năm 1950, cụ Vọng và những người con khác di tản đi nơi khác, trao trách nhiệm gìn giữ căn nhà cho bà Trương Thị Mô – con gái thứ 2 của cụ Vọng.

 Bà Mô đã tổ chức đám cưới trong căn biệt phủ này. (Ảnh: VTC News)
Bà Mô đã tổ chức đám cưới trong căn biệt phủ này. (Ảnh: VTC News)

Dù đã hơn 90 tuổi nhưng bà Mô vẫn nhớ rất rõ những kỉ niệm thời tuổi trẻ, đặc biệt là đám cưới hoành tráng của mình. Theo đó bà Mô kể từ nhỏ đã được coi là tiểu thư đài các, bố mẹ luôn nuông chiều. Đến năm 20 tuổi thì bà lên xe hoa với chú rể là nhân viên của đơn vị mà ngày nay là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

“Chúng tôi gặp nhau qua mai mối bạn bè. Lúc đó, tôi đang bán tơ lụa ở phố Hàng Đào. Cả hai chỉ tìm hiểu nhau một thời gian ngắn. Sau đó thấy phù hợp thì quyết định đám cưới”, bà Mô nói.

 Cách đây gần trăm năm, sở hữu căn biệt thự bề thế này chứng tỏ sự giàu có và địa vị cực cao. (Ảnh: Dân Trí)
Cách đây gần trăm năm, sở hữu căn biệt thự bề thế này chứng tỏ sự giàu có và địa vị cực cao. (Ảnh: Dân Trí)

Bà cho biết thêm rằng dù gia đình giàu có nhưng bố mẹ lại sống văn minh. Khi gả con gái đi lấy chồng, cụ Vọng và vợ không thách cưới khó khăn như nhiều gia đình khác. Nói về hôn lễ của mình, bà Mô vẫn nhớ rõ từng chi tiết:

“Ngày ăn hỏi, tôi mặc áo dài nhung màu tiết dê, tóc để kiểu phi dê và đeo trên người các loại trang sức như kiềng, dây chuyền, bông tai, nhẫn, lắc tay và cả nhẫn kim cương. Bố mẹ tôi có nhiều bạn bè nên chỉ riêng ngày ăn hỏi, mọi người đã đứng gần kín phần diện tích 800m2 của căn biệt thự.”

Ngày tổ chức đám cưới, gia đình đã cố gắng đơn giản hóa mọi thủ tục. Thế nhưng khi thấy một đoàn 7 xe ô tô của nhà trai đến đón dâu, nhiều người lại tập trung quanh biệt phủ của cụ Vọng để xem.

 Kí ức về hôn lễ xa hoa đều được bà Mô nhớ rất rõ. (Ảnh: Dân Trí)
Kí ức về hôn lễ xa hoa đều được bà Mô nhớ rất rõ. (Ảnh: Dân Trí)

Khách nườm nượp 3 ngày 3 đêm, quà cưới xa xỉ

Mặc dù căn biệt thự của cụ Vọng có diện tích vô cùng lớn nhưng lượng khách quá đông khiến bố mẹ bà Mô phải phân bổ thời gian mời khách khác nhau đến đám cưới con gái, tổng cộng làm cỗ trong 3 ngày.

“Tôi không nhớ bố mẹ đã làm bao nhiêu mâm cỗ để đón tiếp các quan khách. Tôi chỉ nhớ rằng trong 3 ngày đó, biệt thự lúc nào cũng đông người ra kẻ vào và những người phục vụ cỗ luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải.” – bà Mô nhớ lại.

 Bên trong biệt phủ rộng 800m2 này đã diễn ra đám cưới kéo dài 3 ngày 3 đêm. (Ảnh: Người Đưa Tin)
Bên trong biệt phủ rộng 800m2 này đã diễn ra đám cưới kéo dài 3 ngày 3 đêm. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Về phần của hồi môn, ngoài những trang sức đeo trên người từ lễ ăn hỏi, bà Mô còn được bố mẹ tặng thêm một hộp trang sức vàng. Khi nhà trai đến lại mang theo sính lễ là một lượng vòng, kiềng, nhẫn vàng khiến quan khách không khỏi trầm trồ.

Một điều đáng tiếc nhất đối với bà Mô đó là đám cưới chụp rất nhiều ảnh nhưng không giữ được. Bà cho biết do thời gian quá lâu nên cuốn album đã bị thất lạc.

Đám cưới quý tộc của cậu ấm tiệm may và đại tiểu thư giàu có

Sau đám cưới của bà Mô thì người dân Hà thành lại được chứng kiến một hôn lễ rình rang khác giữa 2 gia tộc giàu có nổi tiếng nhờ kinh doanh, buôn bán vải may. Phụ Nữ News có viết, chú rể là Nguyễn Đức Chiểu – cậu ấm tiệm may Á Đông trên phố Tràng Tiền, còn cô dâu là Nguyễn Thị An – đại tiểu thư gia đình quyền quý tại phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến).

 Cô dâu chú rể trong hôn lễ nức tiếng Hà Thành. (Ảnh: Phụ Nữ News)
Cô dâu chú rể trong hôn lễ nức tiếng Hà Thành. (Ảnh: Phụ Nữ News)

 Dàn xe xịn được dùng để đón cô dâu Nguyễn Thị An. (Ảnh: Phụ Nữ News)
Dàn xe xịn được dùng để đón cô dâu Nguyễn Thị An. (Ảnh: Phụ Nữ News)

Vào ngày đón dâu, chú rể đã đưa đến 10 chiếc xe sang, chứng tỏ địa vị và độ giàu có của gia đình mình. Bên trong nhà cô dâu cũng được trang hoàng lộng lẫy để xứng với đẳng cấp của một danh gia vọng tộc.

Đón dâu xong, tiệc cưới diễn ra ở khách sạn tại phố Hàng Khay theo phong cách ẩm thực Pháp. Nam nữ thời này ăn tiệc vẫn phải ngồi riêng nhưng bên nào cũng có người phục vụ lịch sự, chu đáo.

Bà An sau này kể lại, trong đám cưới, bà không hề cười chút nào vì hôn lễ là do bố mẹ hai bên sắp đặt và chỉ có ông Chiểu yêu đơn phương. Tuy nhiên ông Chiểu đã dùng sự chân thành để chứng minh tình cảm, dần dần bà An mở lòng và yêu ông đến tận bây giờ.

 Tiệc cưới được tổ chức ở khách sạn lớn gần nhà chú rể. (Ảnh: Phụ Nữ News)
Tiệc cưới được tổ chức ở khách sạn lớn gần nhà chú rể. (Ảnh: Phụ Nữ News)

 Bà An không khỏi bồi hồi khi nhớ lại chuyện tình "cưới trước yêu sau" của mình. (Ảnh: Phụ Nữ News)
Bà An không khỏi bồi hồi khi nhớ lại chuyện tình “cưới trước yêu sau” của mình. (Ảnh: Phụ Nữ News)

Những hình ảnh về đám cưới nhà giàu khi xưa vẫn luôn thu hút sự chú ý của mọi người. Bạn thấy sao về độ hoành tráng thông qua hình ảnh và lời kể người trong cuộc, hãy chia sẻ cho chúng tôi biết nhé.