Chàng khiếm thị hát y hệt Mr.Đàm: Trước khi ba ra đi vẫn nhắn “lấy mắt của tôi cho con”

Hình ảnh một người đàn ông khiếm thị, mặc chiếc áo sơ mi trắng đã cũ, đẩy loa kẹo kéo với vài món đồ lặt vặt đi hát dọc đường Nguyễn Hữu Cầu bên hông chợ Tân Định (Quận 1) chắc chẳng còn xa lạ với những người dân sống ở nơi đây. Điều đặc biệt ở chỗ anh có giọng hát giống hệt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, khiến nhiều người không khỏi thắc mắc liệu có phải anh hát nhép hay không.

 
Người đàn ông kiếm thị có giọng hát giống Đàm Vĩnh Hưng. (Ảnh: Thanh Niên)
Người đàn ông kiếm thị có giọng hát giống Đàm Vĩnh Hưng. (Ảnh: Thanh Niên)

Người đàn ông khiếm thị có giọng hát đặc biệt

Báo Thanh Niên đăng tải, anh tên là Phạm Bá Hồng (36 tuổi) quê Thanh Hóa. Hồi 3 tuổi, sau một lần bị sởi, cả hai mắt anh đã không còn nhìn thấy ánh sáng. Đến năm 16 tuổi, anh bắt đầu học chữ nổi, bấm huyệt massage và học đàn. Từ khi đi học, anh bắt đầu quen biết nhiều bạn cũng có hoàn cảnh tương tự như mình ở Sài Gòn. Qua những lần nói chuyện điện thoại, tâm sự về hoàn cảnh và cuộc sống, anh Hồng quyết tâm sẽ Nam tiến kiếm việc làm, tự lo cho bản thân.

 
Anh Hồng được bà con tiểu thương trong chợ Tân Định yêu quý. (Ảnh: Thanh Niên)
Anh Hồng được bà con tiểu thương trong chợ Tân Định yêu quý. (Ảnh: Thanh Niên)

Khi mới bước chân vào Sài Gòn hoa lệ, anh Hồng bán vé số dạo nhưng thường gặp sự cố nên anh chuyển sang đi bán tăm bông. Một lần tình cờ đi hát đám cưới, anh quen được người chơi đàn và ca sĩ hát ngày hôm đó, cả hai nhận xét anh có chất giọng khàn khàn rất giống ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Vì thế anh nhờ hai người bạn chia sẻ và dạy những kiến thức cơ bản về âm nhạc. Anh Hồng bắt đầu sắm loa kẹo kéo, ngồi hát ở các ngã tư hoặc đi dọc các con đường ở Sài Gòn.

 
Anh đến với nghề hát dạo vô cùng tình cờ. (Ảnh: Thanh Niên)
Anh đến với nghề hát dạo vô cùng tình cờ. (Ảnh: Thanh Niên)

Bà Trịnh Thị Toan (64 tuổi) mẹ anh Hồng xúc động kể với báo Thanh Niên về con người con trai đáng thương của mình: “Ngày xưa, tôi và chồng từng hứa mỗi người sẽ cho Hồng một con mắt để con có đôi mắt sáng nhìn được cuộc sống này”.

 
Anh Hồng sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả. (Ảnh: Thanh Niên)
Anh Hồng sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả. (Ảnh: Thanh Niên)

Hoàn cảnh gia đình nhà anh Hồng vô cùng khó khăn, gia đình làm thuần nông, quanh năm chỉ biết tới việc ruộng đồng. Để có thể lo được tiền phẫu thuật cho con trai, chồng bà Toan đã phải vào Sài Gòn làm phụ hồ, buổi tối ông đi nhặt ve chai để kiếm thêm. Thế nhưng không may ông đã ra đi sau một sự cố giao thông ở gần làng đại học. Số tiền tích góp để làm phẫu thuật cho con trai được sử dụng để lo hậu sự và đưa ông về quê nhà.

Nhắc tới cha, anh Hồng kể với báo Thanh Niên: “Người gây ra vụ việc bỏ chạy, vào bệnh viện bố tôi vẫn viết lên giấy dòng chữ: ‘Lấy mắt của tôi cho con’ rồi vài phút sau thì ông lịm đi. Bố đã nằm xuống rồi, tôi không thể nhận được”.

 
Bố Anh Hồng ra đi sau một sự cố giao thông. (Ảnh: Thanh Niên) 
Bố Anh Hồng ra đi sau một sự cố giao thông. (Ảnh: Thanh Niên)

Anh Hồng hiện đã có vợ, chị cũng là người khiếm thị như anh. Hai vợ chồng ở Sài Gòn mưu sinh để có tiền gửi về chăm sóc con ở quê nhà. Ước mơ của anh Hồng là có một số vốn để cùng vợ mở dịch vụ massage của người khiếm thị, bên cạnh đó còn có thể giúp cho những người chung hoàn cảnh khác có công việc tốt hơn.

Nhờ có giọng hát đặc biệt, anh Hồng đăng ký tham gia một chương trình truyền hình. Sau chương trình anh được tài trợ 40 triệu đồng. Hai vợ chồng anh Hồng cầm số vốn đó về Tiền Giang (quê vợ anh Hồng) mở một tiệm massage nhỏ chỉ với 2 giường. Chẳng may dịch Covid-19 ập tới, không gồng gánh được tiền mặt bằng, anh chị đành phải tạm gác lại ước mơ của mình.

 
Anh Hồng tham gia một chương trình truyền hình nhờ giọng hát đặc biệt. (Ảnh: Chụp màn hình chương trình H.M.U.M)
Anh Hồng tham gia một chương trình truyền hình nhờ giọng hát đặc biệt. (Ảnh: Chụp màn hình chương trình H.M.U.M)

Nhưng cũng nhờ tham gia chương trình ca hát, anh được một người ở Đức nhận làm con nuôi. Năm 2021, khi mẹ nuôi về nước, anh may mắn được đưa đi phẫu thuật và nhìn được ánh sáng lờ mờ khoảng 20-30%. Dù không nhìn rõ nhưng đó chính là tia sáng của niềm tin, niềm hy vọng trong suốt 30 năm cuộc đời của anh.

Nghị lực của nam sinh khiếm thị đam mê đàn bầu

Anh Trương Văn Tư (sinh năm 1994), quê ở xã Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cũng bị khiếm thị từ nhỏ và có cùng đam mê âm nhạc với anh Hồng.

Ngay từ khi còn nhỏ, hai mắt của anh Tư đã bị cận nặng. Thị thực của anh chỉ từ 6-7/10, cho đến năm học lớp 7, sau một cơn bệnh nặng, anh Tư đã không còn nhìn được ánh sáng cho đến nay. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông con nên bố mẹ không thể chạy chữa kịp thời cho anh.

 
Anh Trương Văn Tư bị khiếm thị từ nhỏ. 
Anh Trương Văn Tư bị khiếm thị từ nhỏ.

Kể từ khi bị mất thị lực, anh Tư sống khép kín, trở nên trầm tính và không muốn giao tiếp với mọi người. Sau khi được gia đình đưa ra Hà Nội, ở một môi trường mới, anh bắt đầu mở lòng mình, giao tiếp và hoà nhập với mọi người hơn. Cũng trong khoảng thời gian đó, anh Tư học những kỹ năng cần thiết cho một người bị khiếm thị.

Năm 2015, anh Trương Văn Tư thi vào trường Trung cấp nhạc viện TP.HCM khoa nhạc cụ dân tộc chuyên ngành đàn bầu. Thời gian đầu mới tiếp xúc với loại nhạc cụ này, anh Tư gặp rất nhiều khó khăn vì đàn bầu khó chơi hơn rất nhiều nhạc cụ khác.

 
Chàng trai khiếm thị có niềm đam mê với âm nhạc. 
Chàng trai khiếm thị có niềm đam mê với âm nhạc.

Tuy nhiên nhờ lòng quyết tâm và tình yêu với loại nhạc cụ dân tộc này mà dần dần từng giai điệu trong trẻo, trữ tình cũng vang lên dưới đôi bàn tay của chàng trai khiếm thị đó.

Những người có ý chí và nghị lực sống vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn như trường hợp của anh Phạm Bá Hồng và anh Trương Văn Tư thực sự khiến chúng ta không khỏi cảm phục. Bạn có cảm nhận thế nào khi đọc những câu chuyện trên, hãy để lại bình luận nhé!